2017 khi mình mới chân ướt chân ráo về quê mở lớp, mọi thứ thực sự khó khăn chồng chất khó khăn.
Gia đình không ủng hộ vì nói “Tốt nghiệp ngoại thương phải làm ông này bà nọ chứ sao lại về quê mở lớp học.”
Người xung quanh dị nghị nói “Chắc không có việc làm nên mới về quê đi dạy lương 3 cọc 3 đồng.”
Không có nhiều mối quan hệ với phụ huynh xung quanh vì từ năm cấp 2 đã đi học trường chuyên xa nhà.
Chỉ trong 1 xã thôi nhưng có rất nhiều cô giáo dạy thêm, các cô hoặc là hơn mình về tuổi đời hoặc hơn mình về tuổi nghề.
Chưa có định hướng rõ ràng vì ngày đó hội nhóm về chủ trung tâm/lớp học chưa có nhiều, workshop chia sẻ thì vô cùng ít…
Và mình đã rất chật vật trong thời gian đầu tiên (khoảng 1 năm) để có được 50-60 học sinh đầu tiên.
Sau đó mình bắt đầu rõ ràng hơn về mọi thứ và thực sự bứt phá ở năm thứ 2 (đạt >100 học sinh) và năm thứ 3 (>300 học sinh) có thời điểm sát nút mở trung tâm đạt đến gần 400 học sinh.
Mình sẽ chia sẻ những điều “ngốc ngếch” mình từng làm để thầy cô giáo tránh khi bắt đầu mở lớp.
1 People: Không rõ bản thân. Không rõ ngách của mình.
Thời điểm ban đầu, mình cần làm rõ 3 câu hỏi quan trọng:
– Mình có gì?
– Mình thiếu gì?
– Mình muốn gì?
Quan trọng hơn nữa là phải VIẾT NÓ RA. Nhất định phải VIẾT RA chứ KHÔNG ĐỂ TRONG ĐẦU. Khi bạn viết ra, mọi thứ sẽ thật rõ ràng. Bạn sẽ nhìn ra được mình cần đẩy mạnh điều gì? Mình cần cải tiến điều gì? Ai sẽ giúp mình cải tiến những điều mình thiếu? Và mục tiêu sau 12 tháng là gì? Còn bao nhiêu nữa để hoàn thành mục tiêu đó?
Tiếp đến mình cũng cần xác định được ngách (đối tượng học sinh mục tiêu của mình hướng đến) là gì?
– Mình sẽ dạy các bạn học sinh có mong muốn như thế nào: Đạt điểm cao trên trường? Thi chứng chỉ Cambridge? Xây gốc tiếng Anh? Đánh vần tiếng Anh? Thi vào trường chuyên lớp chọn?…
– Những bạn học sinh có mong muốn như vậy thường sẽ có những đặc điểm như thế nào?
– Mình sẽ giúp cho bạn ấy đạt được mong muốn bằng cách nào?
Hãy nhớ: Lựa chọn hơn nỗ lực. Chọn đúng từ đầu giúp mình đỡ cực ở giai đoạn sau.
2 Product: Cấu trúc các khoá học của mình thành một chuỗi các chương trình có đầu ra, đầu vào
Trước đây mình chỉ đơn giản chọn 1 giáo trình để dạy. Khởi đầu mình dạy Family and Friends. Và mình đi theo đúng phân phối chương trình gợi ý đến từ NXB một cách máy móc.
Đó là lý do vì sao sau khi dạy được 1 thời gian (thường là 3 tháng) mình bị mắc kẹt giữa việc làm sao để vẫn follow được theo đúng flow của bài dạy mà học sinh trong lớp đều phải đạt được outcome giống nhau?
Và ngoài ra vì không cấu trúc được sản phẩm nên mình rất khó trong việc thu học phí theo khoá (khoá dài) mà chỉ thu được theo buổi hoặc theo 1-2-3 tháng. Việc thu học phí nhỏ lẻ như vậy khiến mình bị loạn trong việc:
– Tính số buổi của học viên
– Mất thời gian vào việc đếm số buổi
Hãy nhớ: Cấu trúc sản phẩm của mình rõ ràng. Gợi ý đó là có thể cấu trúc sản phẩm theo
– Sản phẩm In: free/giá thấp để học viên được trải nghiệm, bản thân được trao giá trị, xây dựng thương hiệu.
Nó có thể là EBook, free course, hoạt động trải nghiệm…
– Sản phẩm Up: sản phẩm chính giúp giáo viên trao giá trị cho học viên.
– Sản phẩm Max: sản phẩm giá cao giúp định vị bản thân, có những khách hàng chất lượng, có chi phí để có những nhân sự chất lượng, có cơ hội để cải thiện cơ sở vật chất…
Nó có thể là những chương trình private coaching, đào tạo 1-1, dạy những chương trình đặc biệt ít người dạy…
3 Process: Quy trình là thứ giúp cho các thầy cô tự mở lớp có thêm thời gian để sáng tạo.
Bất kể thứ gì cứ lặp đi lặp lại, hãy viết quy trình cho nó.
Quy trình học sinh trả bài tập về nhà, quy trình đón trả học sinh (đưa cho trợ giảng), quy trình tổ chức bài test cuối khoá…
Hãy nhớ: Khi bạn dạy một mình, bạn có ít nguồn lực, hãy tận dụng các quy trình để mình không bị mất quá nhiều thời gian vào những việc lặt vặt. Đầu óc có minh mẫn, thư thái thì mới có không gian cho sự sáng tạo được.
4 Promotion: Case study/ Testimonial chính là cách để bạn có thể có thêm nhiều học viên mới mà không tốn quá nhiều nguồn lực vào Sales/Marketing
Trước đây mình ngại đăng tải video các bạn học sinh hoặc feedback phụ huynh vì mình ngại. Với cũng nghĩ các con nói vậy, mặc dù tốt hơn các con lúc mới vào học rồi, nhưng vẫn còn rất nhỏ bé nên không dám “flex”.
Hãy nhớ: Nói nhiều về transformation chứ đừng nói nhiều về information. Thầy cô có thể lập 1 private group để đăng tải video học sinh của mình trên đó. Zalo sau một thời gian sẽ bị xoá tin nhắn. Nhưng group fb thì không. Chỉ cần search tên học sinh là ra một quá trình con học ra sao.
Nếu thầy cô mình vẫn phân vân trong việc làm sao để làm rõ hơn 4 chữ P này, cũng như làm sao để mình rõ ràng hơn trên hành trình mở lớp của mình thì cứ nhắn cô Phương chia sẻ nhé.
Chúc cả nhà ngày mới hứng khởi.